Bộ Y tế gọi vụ bệnh nhân mở ‘phòng bay’, sử dụng, tàng trữ ma túy trong phòng điều trị Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 là vụ việc ‘cực kỳ nghiêm trọng, manh động và bất chấp pháp luật’.
Với chúng tôi, đó không chỉ là sự “bất chấp” mà nó còn là một sự nhạo báng, nhạo báng công lý, nhạo báng các quy tắc đạo đức xã hội, đặc biệt là đạo đức cao quý của ngành y.
Cho nên, dư luận chờ đợi nhiều hơn thế, đó là Bộ Y tế sẽ làm gì tiếp theo để chấn chỉnh những sai phạm rúng động mang tính hệ thống này? Năm 2018, cũng chính tại bệnh viện này công an phát hiện một đường dây làm giả bệnh án tâm thần với giá 85 triệu đồng, và rồi cũng chỉ dừng lại ở lỗi của mấy “anh đánh máy”.
Sự bức xúc của dư luận hiện nay không chỉ đến từ hành vi manh động của các đối tượng mà còn vì thái độ coi thường dư luận, xuất phát từ phát biểu vô trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1.
Có ai tin là ông giám đốc bệnh viện “không biết” khi phòng bệnh chính là tụ điểm tàng trữ, sử dụng ma túy, cộng với một hệ sinh thái tệ nạn tấp nập ngày đêm? Nếu ông không biết thật thì chắc chắn ông là người không có năng lực quản lý. Nếu ông biết mà không xử lý thì là đồng phạm. Cả hai tình huống ấy đều có chung một hệ quả là ông không thể xứng đáng ngồi ghế giám đốc bệnh viện thêm một phút nào nữa và phải lập tức bị điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự (chứ không chỉ là tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra).
Theo quy định, khu vực điều trị bắt buộc của bệnh viện tâm thần là không được để bệnh nhân ra khỏi khu điều trị, khi đưa người bệnh đến khám hoặc các hoạt động liên quan phải có nhân viên y tế đi kèm, giám sát. Nhưng trong vụ việc này, bệnh nhân được cung cấp chìa khóa để đi lại. Quan sát của các phóng viên cũng cho thấy phòng bệnh (nay là hiện trường phạm tội) của bệnh nhân điều trị cũng hết sức “bất thường” với giấy xốp dán tường cách âm, giấy bạc dán chằng chịt trên cửa sổ. Vậy mà cả ông giám đốc bệnh viện và bà trưởng khoa đều dửng dưng “tôi không biết gì cả”.
Dư luận còn phẫn nộ bởi vì bệnh viện vốn là biểu tượng của nơi cứu người thì trong vụ việc này lại trở thành tụ điểm gieo rắc cái chết. Những kẻ phạm tội và những kẻ tiếp tay (có nhân viên bệnh viện) đốn mạt đến tận cùng khi sử dụng bệnh viện tâm thần, nơi chữa bệnh cho những người mất ý thức hành vi, yếu thế nhất trong những đối tượng yếu thế của xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.
Thực sự, có quá nhiều chi tiết khó hiểu, còn quá nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ việc này, cần cơ quan công an mở rộng điều tra để trả lời dư luận. Bộ Y tế phải nên xử lý ngay trách nhiệm người đứng đầu theo quy trình, trả lại sự tôn nghiêm của y đức và môi trường bệnh viện.