Lương em bao nhiêu?

‘Em muốn biết mức lương mình sẽ được nhận là bao nhiêu?’, tôi ngạc nhiên khi nhiều sinh viên mới ra trường chủ động đòi hỏi trong buổi phỏng vấn.

“Bạn có thắc mắc gì về công việc ứng tuyển không?”, tôi luôn đặt câu hỏi này dành cho các ứng viên phỏng vấn xin việc. Và sau nhiều năm chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân sự cho công ty, tôi ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều bạn trẻ đáp lại bằng một câu hỏi khác: “Em muốn biết mức lương mình sẽ được nhận là bao nhiêu?”. Thậm chí, có bạn trẻ còn hùng hồn tuyên bố “nếu công ty không trả được mức lương này thì em rất tiếc không thể chấp nhận công việc này được”. Và tất cả các trường hợp đó đều bị tôi gạt khỏi danh sách trúng tuyển.

Chuyện đàm phán lương thưởng trong mỗi cuộc phỏng vấn xin việc luôn là một chủ đề nhạy cảm. Nhiều người đã có một bản CV vô cùng đẹp đẽ, chuyên nghiệp, đã vượt qua nhiều vòng xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn sơ loại và sắp tiến đến phần quan trọng nhất để quyết định cơ hội được tuyển dụng, nhưng rồi họ lại đánh mất tất cả chỉ vì câu hỏi “lương em bao nhiêu?”.

Lĩnh vực tuyển dụng ở Việt Nam đang chứng kiến một điều rất mâu thuẫn. Sinh viên ra trường năm nào cũng nhan nhản, liên tục than thở vì thất nghiệp, không kiếm nổi việc làm. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng kêu gào vì thiếu nhân sự, không tìm được người phù hợp. Vậy vấn đề là do đâu? Là người trực tiếp phỏng vấn hàng nghìn người đến phỏng vấn xin việc ở công ty, tôi thấy vô cùng khó hiểu khi các bạn trẻ không kinh nghiệm, không kỹ năng thực hành, không va chạm trải nghiệm thực tế, không có chức danh… nói chung họ chẳng có gì ngoài tấm bằng đại học, nhưng luôn miệng đòi hỏi lương lậu.

Nhiều lúc, tôi tự hỏi: không biết họ đang đi xin việc hay doanh nghiệp đang xin xỏ họ vào làm? Đứng trên góc độ doanh nghiệp, làm gì có ông chủ nào không muốn kiếm được nhân viên giỏi, sẵn sàng trả cho họ một mức lương hậu hĩnh để giữ được nhân tài? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đó là câu chuyện sau khi các bạn đã có đủ cống hiến, chứng minh được năng lực và đóng góp cho công ty, chứ không phải đòi hỏi quyền lợi khi chưa đứng trong tổ chức.

Tôi khẳng định, nếu các bạn nhân viên có năng lực, cống hiến được cho tập thể, sẽ chẳng có người đứng đầu doanh nghiệp nào tiếc tiền biệt đãi. Bởi khi bạn giúp công ty có được lợi nhuận, việc công ty trả bạn lương cao, thưởng đậm là chuyện đương nhiên trong kinh doanh, làm ăn. Thế nhưng thực tế, con số nhân tài này được bao nhiêu? Lấy gì để kiếm chứng được năng lực của nhân viên? Tất nhiên chẳng ai lại đi dùng bảng điểm để thỏa thuận lương thưởng được.

Nhìn chung, phần lớn sinh viên mới ra trường hiện nay đều không đủ khả năng làm việc ngay lập tức. Thay vào đó, doanh nghiệp phải mất thời gian (ít nhất cũng vài tháng) để đào tạo, hướng dẫn. Đôi khi là phải dạy lại từ đầu, cầm tay chỉ việc từng chút một mới có thể giúp sinh viên nắm bắt được công việc chung. Vậy tất cả thời gian, công sức và cả tiền bạc mà chúng tôi bỏ ra, ai sẽ trả? Nếu nói cho công bằng, lẽ ra chính các bạn phải trả tiền học phí đào tạo cho doanh nghiệp trước mới phải.

Có làm thì mới có ăn, làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng nhiều, làm tốt sẽ được thưởng, tôi tin đó là nguyên tắc hoạt động chung của tất cả các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Khi bạn chưa làm được gì, tốt nhất cũng đừng đỏi hỏi tổ chức phải đãi ngộ cao theo kiểu “trả bao nhiêu làm bấy nhiêu”.

Cuộc sống là luôn học hỏi và vươn lên. Ngay cả khi bạn nhận được một công việc tốt, nếu không có sự tìm tòi, học hỏi, phát triển bản thân liên tục, sớm muôn bạn cũng sẽ bị đào thải khi không còn giá trị sử dụng với doanh nghiệp. Muốn nhận được một mức lương cao, các bạn hãy luôn nỗ lực để vươn lên. Đừng bao giờ tự hài lòng với những gì mình có và ôm ảo tưởng người khác sẽ trải thảm đỏ để mời bạn về.

Để có được ngày hôm nay, bản thân tôi cũng đi lên từ một nhân viên tập sự. Công ty trả lương cho tôi để làm việc theo giờ hành chính. Thế nhưng tôi luôn đến sớm hơn một chút, về muộn hơn một chút, cống hiến thêm một chút so với mức lương được trả để tự nâng cao trình độ của bản thân. Kết quả, tổ chức ghi nhận và không chỉ tăng lương, họ còn thăng chức và trọng dụng tôi ở những vị trí quan trọng, không bao giờ để tôi phải chịu thiệt thòi. Đó là kết quả của cả một quá trình đi lên mà người chủ động là tôi chứ không phải doanh nghiệp.

Tôi hy vọng rằng, các bạn sinh viên khi ra trường sẽ mang tâm thế cầu tiến, khiêm tốn, biết mình đang ở đâu và đang có gì, để bước vào phòng phỏng vấn tự tin nhưng không tự cao. Đừng bao giờ chủ động đòi hỏi quyền lợi, hỏi về lương thưởng khi bạn chưa chứng minh được tài năng của mình.

Bất kể công ty nào cũng đều đã có những mốc lương giới hạn cho từng vị trí dựa theo ngân sách chung, thế nên, bạn không cần quá bận tâm về việc đó trước. Cứ thoải mái thể hiện hết mình và đón nhận lời đề nghị mức lương sau cùng từ nhà tuyển dụng. Khi đó, quyền quyết định đàm phán tiếp hay dừng lại hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.

Gọi điện thoại
0813552659
Chat Zalo